Địa chỉ: KCN Đồng Xoài 1 - Xã Tân Thành - TP Đồng Xoài - Bình Phước

Email: luonglinhphucthinh@gmail.com

Ngôn Ngữ: Ngôn Ngữ Ngôn Ngữ

Ngành gỗ thời Covid-19: Cơ hội nội địa hóa nguồn cung

Tin tức sự kiện

Tin tức sự kiện

Ngành gỗ thời Covid-19: Cơ hội nội địa hóa nguồn cung

2 tháng đầu năm 2020, lâm sản là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn có sự tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 1,53 tỷ USD (tăng 10,1%). Tuy nhiên, trong dài hạn, những tác động của dịch bệnh như hiện nay là không thể tránh khỏi.

Liên tục lập đỉnh

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 10,3 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2018, con số này trong 2 tháng đầu năm 2020 là 1,53 tỷ USD (tăng 10,1%) so với cùng kỳ năm 2019.

Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch từ 5 thị trường này đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành trong năm. Trong đó, Mỹ đã trở thành thị trường khổng lồ của ngành gỗ Việt.

Năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào thị trường này lên tới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành từ tất cả các thị trường trong cùng năm.

"Dịch cúm có thể làm đình trệ các hoạt động sản xuất và kinh doanh trong ngành, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI có mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường”.

Ông Đỗ Xuân Lập -Chủ tịch
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam

Tại hội thảo ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường, thực trạng 2019 và dự báo năm 2020 do Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia có chung nhận định, số doanh nghiệp tham gia vào khâu xuất khẩu gỗ rất lớn và có xu hướng tăng nhanh.

Theo đó, năm 2019 có gần 4.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa. Lượng doanh nghiệp này tăng 40% so với số doanh nghiệp tham gia vào khâu này năm 2018.

“Điều đáng ghi nhận là, năm 2019 có trên 3.800 doanh nghiệp nội địa tham gia xuất khẩu, chiếm 85% trong tổng số doanh nghiệp, cả nội địa và FDI, tham gia vào khâu này của năm. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp nội địa đạt trên 5,37 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành” - TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) nhấn mạnh.

Sự chuyên nghiệp của các doanh nghiệp ngành gỗ còn thể hiện ở chỗ việc nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu tiếp tục được mở rộng với lượng gỗ có tính pháp lý rõ ràng tiếp tục gia tăng và lượng gỗ từ nguồn rủi ro giảm. 

Không thể thờ ơ với Covid-19

Ông Nguyễn Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt - doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2019 đạt 40 triệu USD.

“Trung Quốc là công xưởng lớn của thế giới, với lợi thế chi phí sản xuất giá rẻ rất nhiều phụ kiện của ngành gỗ Việt đang phụ thuộc vào nguồn cung từ phía Trung Quốc. Hiện, các doanh nghiệp vẫn đủ nguyên liệu sản xuất trong vài tháng nữa, nhưng nếu dịch vẫn kéo dài, nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc gián đoạn, lúc đó doanh nghiệp buộc phải tính đến nguồn cung khác. Tuy nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất” - ông Liêm nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch năm 2019 đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trong cùng năm.

“Dịch viêm phổi cấp làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm chễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường này” - ông Lập nói.

Ngoài ra, các loại ván là nhóm mặt hàng quan trọng nhất được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, với giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt 395,5 triệu USD, chiếm 60% trong tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam trong cùng năm. Dịch viêm phổi cấp đã làm cho luồng cung này hiện đang bị dừng lại.

Dịch cúm đang tác động trực tiếp đến các nhà máy của Trung Quốc vận hành tại Việt Nam khi các nhà máy chưa được phép quay lại hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do chính sách phong tỏa dịch tại cả 2 quốc gia. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Trung Quốc có 184 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trong ngành.

Ông Đào Duy Tám - Trưởng phòng 1, Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan): Đã tạm dừng hoạt động tạm nhập tái xuất

Thời gian qua, lượng gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, sau đó sản phẩm này xuất đi Mỹ chiếm tỷ trọng lớn. Từ thực tế đó, cơ quan hải quan đã có chỉ đạo hải quan địa phương tăng cường kiểm tra xuất xứ, chống gian lận thương mại với hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ; thiết lập tiêu chí rủi ro để đưa các doanh nghiệp có dấu hiệu về buôn lậu, gian lận thương mại để kiểm tra chặt chẽ; điều tra xác minh nguồn gốc gỗ các lô hàng của doanh nghiệp sản xuất ra để xuất khẩu đi Mỹ…

Về tạm nhập tái xuất, thực tế việc này mục đích của Chính phủ muốn nâng cao năng lực giao nhận logistics, tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại lợi dụng điều này, đặc biệt với mặt hàng gỗ ván sàn hoặc gỗ ván. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương ban hành Thông tư 22 tạm dừng tạm nhập tái xuất với gỗ ván sàn, gỗ ván, từ đầu năm 2020 hoạt động tạm nhập tái xuất này cũng đã bị tạm dừng.

Ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland: Cần nội địa hóa nguồn cung

Ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19 là liên quan đến cung ứng một số nguyên liệu còn sử dụng nhà cung cấp Trung Quốc như một số phụ kiện hay vật liệu phủ bề mặt (sơn) có tính chất cộng hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp.

Sơn chiếm 7% giá thành của sản phẩm nhưng chỉ vì không có loại sơn đó thì toàn bộ lô hàng sử dụng vật liệu đó sẽ bị ảnh hưởng. Sự gián đoạn cung ứng này cũng gây ra tác hại lớn.

Với một số khâu sử dụng kỹ thuật của Trung Quốc trong hoàn thiện sản phẩm cũng có nhiều nhà máy bị dừng lại. Riêng với Woodsland, sau đợt dịch này sẽ mạnh dạn tìm nhà cung cấp Việt Nam, về lâu dài cũng có ý nghĩa tích cực trong sử dụng nguồn cung nội địa hóa nhiều hơn.

Nguồn: Báo Dân Việt

Bài viết khác

Ngành gỗ thời Covid-19: Cơ hội nội địa hóa nguồn cung