Gỗ Việt và cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ năm 2020
Tin tức sự kiện
Tin tức sự kiện
Gỗ Việt và cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ năm 2020
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong năm 2019 đạt đến 10,65 tỷ USD, tăng 19,5% so với năm 2018. Đáng chú ý, trong năm 2019 nhóm sản phẩm này của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu đến thị trường Mỹ với trị giá 5,33 tỷ USD, tăng đến 36,9% so với năm 2018.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường cung cấp chính mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ cho Mỹ trong 11 tháng năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Trung Quốc nên trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ thị trường này giảm mạnh trong 11 tháng năm 2019. Theo đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Trung Quốc ở mức 34,6%, giảm 11,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Việt Nam trong 11 tháng năm 2019, đạt 4,78 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng thêm 7,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.
Còn theo phân tích của các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam. Và trong năm qua, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ từ các nước nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác.
Theo nguồn Reuters, dự báo thị trường nhà ở Mỹ sẽ được cải thiện trong năm 2020. Số lượng nhà ở trung bình trong năm 2020 đạt 1,264 triệu đơn vị, tăng 0,6% so với năm 2019. Thị trường nhà ở tăng kéo theo nhu cầu về đồ nội thất tăng tại thị trường Mỹ trong năm 2020. Thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, khiến đồ nội thất tại Mỹ trở nên đắt đỏ, vì vậy Mỹ sẽ tăng nhập khẩu đồ nội thất từ các thị trường khác, trong đó Việt Nam là thị trường rất quan trọng đối với các nhà nhập khẩu của Mỹ.
Bên cạnh cơ hội, nhiều ý kiến lo ngại về những rủi ro mới phát sinh đặc biệt liên quan đến gian lận xuất xứ của các nhà đầu tư nước ngoài nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Để giảm thiểu rủi ro, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bên cạnh đó, quy trình cấp phép chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cũng cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện.
Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng thông qua việc tập trung nguồn lực thực hiện chuyên môn hóa, giảm chi phí giao dịch và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định, khi vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần chứng minh nguồn gốc về giá thành và các chi phí sản xuất. Phía Mỹ cũng kiểm soát rất kỹ vấn đề này. Bản thân các doanh nghiệp của Việt Nam đã làm với thị trường này từ rất nhiều năm do đó nên tuân thủ rất tốt các yêu cầu thị trường nhập khẩu. Hiện nguồn gỗ xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam đi theo 2 hướng gồm: gỗ nhân tạo, gỗ mềm (gỗ cao su, gỗ keo) của Việt Nam; gỗ nhập khẩu từ Mỹ (gỗ sồi, gỗ óc…). Hiện, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã và đang định hướng các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ đi theo hướng này. Nguồn đầu vào minh bạch là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tránh được chống bán phá giá, gia tăng thị phần xuất khẩu.
Mỹ tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Việt Nam trong 11 tháng năm 2019, đạt 4,78 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguồn: Báo Công Thương