Triển vọng xuất khẩu gỗ năm 2024 vì sao còn chưa rõ ràng?
Tin tức sự kiện
Tin tức sự kiện
Triển vọng xuất khẩu gỗ năm 2024 vì sao còn chưa rõ ràng?
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhận định năm 2024, ngành gỗ vẫn có nhiều bất ổn. Xuất khẩu gỗ có thể tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023 - mức nền khá thấp.
Tại tọa đàm Phát triển bền vững và những thách thức đặt ra với ngành gỗ”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành.
Thứ nhất, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm.
Cụ thể, Quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation, EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6 năm 2023 quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng.
Thứ hai, yêu cầu cả ở trong nước và tại các thị trường xuất khẩu về mức phát thải carbon thấp trong các hoạt động của toàn chuỗi cung ứng nhằm đạt mục tiêu Net Zero ngày càng tăng. Sản phẩm có hàm lượng carbon cao sẽ trở nên đắt đỏ và mất tính cạnh tranh trên thị trường.
Thứ ba, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 – 2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới, đây là loại gỗ rủi ro về pháp lý, chiếm 30-40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của cả ngành.
Điều này không chỉ tác động tiêu cực tới hình hành của toàn ngành gỗ Việt mà còn làm mất đi cơ hội trong việc sử dụng gỗ nhập khẩu rủi ro thấp và đặc biệt là nguồn gỗ rừng trồng trong nước có nguồn gốc từ hàng triệu nông hộ.
Đại diện Viforest cho rằng suy giảm của thị trường, cả về khía cạnh đầu ra xuất khẩu và nguyên liệu đầu vào sản xuất diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và các thị trường xuất khẩu đưa ra các quy định mới nhằm kiểm soát chuỗi cung chặt chẽ hơn, đảm bảo sản phẩm hợp pháp và bền vững.
Ngoài ra, việc thực hiện các quy định nêu trên là điều bắt buộc với doanh nghiệp tham gia thị trường. Những quy định mới, kèm theo tín hiệu của thị trường cho thấy 2024 có thể sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành.
"Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Về tổng thể, ngành gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023.
Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải", ông Đỗ Xuân Lập nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch CTCP Gỗ Lâm Việt cho biết tình hình khó đoán định, triển vọng chưa rõ ràng. Đơn hàng cho đầu năm 2024 đã có nhưng chưa hết công suất nhà máy.
"Quý III, quý IV năm nay, đơn hàng có tăng nhưng đây là đơn hàng bù vào giảm tồn kho của Mỹ, EU và phục vụ cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch, chứ không phải đơn hàng bền vững. Tín hiệu này chưa thể đánh giá được triển vọng năm 2024", ông Nguyễn Liêm chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cũng cho rằng các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, không quá dồi dào như năm ngoái nhưng cũng đủ việc cho công nhân sản xuất, nhà máy vận hành. Còn, một số khác cũng bắt đầu gom nguyên liệu, chuẩn bị nhà máy cho mùa cao điểm năm tới.
Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết các đối tác đang đến Việt Nam thăm nhà máy. Đà phục hồi của ngành gỗ có thực sự bền vững hay không, phụ thuộc vào mùa hội chợ vào tháng 3-4/2024.
Tổng kết năm 2023, Chủ tịch Viforest nhấn mạnh bằng hai từ "thách thức". Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU giảm mạnh dẫn đến các đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa.
Theo Tổng cục Hải quan kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2023 đạt 12,1 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu đà xuất khẩu giữ ở mức như hiện nay, ông Lập cho rằng kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2023 ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022. Với kết quả này, ngành gỗ mới thực hiện được khoảng 77% mục tiêu 17,5 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm.
Theo Doanh nghiệp kinh doanh