Quang cảnh hội nghị. |
Lần đầu tiên Việt Nam thu 51,5 triệu USD từ chuyển nhượng tín chỉ carbon
Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) tổ chức chiều 27/12, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng).
Theo ông Lực, việc chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon "đánh dấu một cột mốc rất quan trọng".
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ cho các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo các chuyên gia, để biến tiềm năng carbon rừng thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc xây dựng, vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. |
Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ khoảng 42%. Tháng 2/2020, Bộ NN&PTNT và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018-2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4%.
Ông Phạm Hồng Lượng - Cục Lâm nghiệp cho biết, chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam là câu chuyện thành công và được WB đánh giá rất cao. Ngày 28/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cũng đánh giá đây là một dự án mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho các hộ dân đang quản lý, bảo vệ rừng. Tín hiệu đáng mừng là trữ lượng hấp thụ carbon rừng của Việt Nam không chỉ có xu hướng tăng so với giai đoạn trước mà còn tăng vượt trội so với mức phát thải trong lâm nghiệp.
Xuất khẩu gỗ giảm sẽ thôi thúc ngành lâm nghiệp tái cơ cấu thị trường
Bên cạnh kết quả nổi bật đạt được, vẫn còn nhiều chỉ tiêu ngành lâm nghiệp trong năm qua chưa đạt được như mong muốn, trong đó có giá trị xuất khẩu lâm sản. Năm 2023 mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 14,3 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022, trong đó, nhập khẩu ước đạt 2,191 tỷ USD. Toàn ngành xuất siêu ước đạt hơn 12,1 tỷ USD.
Ông Lực cũng lý giải nguyên nhân xuất khẩu gỗ giảm là do thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và châu Âu (EU) đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.
Phát biểu tại cuộc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định, 20 năm qua chưa một năm nào giá trị xuất khẩu "tụt xuống" như năm nay, điều này càng "thôi thúc" ngành lâm nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu từ thị trường, sản phẩm phụ trợ...
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, cơ cấu lại là bước cần thiết để hoàn thiện về tổ chức, từ đó quyết định thành công về chuyên môn. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy, ngành lâm nghiệp cần rà soát lại các chỉ tiêu năm 2024 để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Quốc Trị đề nghị trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án trọng điểm để xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù.
Cùng với đó, ngành sẽ thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội...
Cũng theo Cục Lâm nghiệp, năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD. Nếu kết quả này thực hiện được, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 sẽ vượt 21% so với ước thực hiện năm 2023 và vượt 3% so với năm 2022.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 - 5,5%; trồng rừng tập trung 245.000ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.200 tỷ đồng. |
Theo thời báo tài chính đưa tin